Xuất bản thông tin

null Chuẩn bị cho trẻ trở lại trường trong bối cảnh phòng dịch

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Chuẩn bị cho trẻ trở lại trường trong bối cảnh phòng dịch

Nếu là những ngày cuối tháng 8 bình thường như các năm học trước, không khí chuẩn bị sách, vở, quần áo cho các con trở lại trường lớp sẽ nhộn nhịp. Nhưng năm học này, tập vở có thể chưa sắm sửa đầy đủ vì lịch học của các em có sự điều chỉnh để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng thói quen và tâm thế chuẩn bị đi học thì đang được cha mẹ, ông bà giúp các em điều chỉnh.

Tại tỉnh Đồng Tháp, thời gian khai giảng năm học mới 2021-2022 được thống nhất vào ngày 20/9, thời gian bắt đầu các hoạt động tựu trường kể từ ngày 15/9. Để chuẩn bị cho trẻ trở lại trường trong bối cảnh vừa học tập vừa phòng dịch, cha mẹ cũng cần trang bị cho con một số kỹ năng như: hiểu và thực hiện nguyên tắc 5K, nhất là tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng và rửa tay thường xuyên. Nhắc nhở con uống nhiều nước và bổ sung những thực phẩm dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cũng là việc cha mẹ nên lưu ý.

Một mùa hè dài trôi qua, em Nguyễn Trung Hiếu ở xã Mỹ Xương đã có thể thành thạo với một số công việc nhà, phụ giúp cho cha mẹ. Thời gian học tập cùng cha cũng tăng lên, vì em biết mình sắp phải bước vào một năm học mới.

Em Nguyễn Trung Hiếu, ở xã Mỹ Xương cho biết: “Con 9 tuổi học lớp 4, năm học sắp tới con được ba mẹ con chuẩn bị quần áo mới bút thước để con đến trường, ba con dạy con vào ban đêm để con ôn lại bài cũ để tới trường”.

Thường thì sau 1 kỳ nghỉ dài, con trẻ sẽ có tâm lý ngại dậy sớm. Thêm vào đó, một số thói quen sinh hoạt cũng có thể bị đảo lộn như thức khuya, dậy muộn, giờ ăn thay đổi. Do vậy, cha mẹ nên tập cho con thức dậy đúng giờ đi học. Thói quen được dần hình thành thì khi con quay trở lại lớp học, con sẽ không cảm thấy quá ngại và mệt mỏi. Dạy kỹ năng sống cho trẻ cũng là cả một quá trình, vì vậy, cha mẹ phải giúp con hình thành qua nhiều ngày.

Anh Nguyễn Ngọc Châu, cha của em Trung Hiếu, Xã Mỹ Xương cho hay: “Bình thường khi vừa kết thúc năm học thời gian nghỉ hè của cháu, mình có cho cháu nghỉ đỡ căng thẳng, xem tivi, các kênh giải trí thiếu nhi, trên điện thoại thông minh, nhưng thời gian học đã cận kề, gia đình sắp xếp thời gian biểu cho hợp lý, hạn chế cho cháu xem tivi, tăng cường việc học, xem tài liệu/ bình thường nghỉ thì cho con dậy trễ trễ một tý mà bây giờ năm học gần đến rồi nên mình động viên con dậy sớm, tập thể dục, ăn sáng, phụ gia đình một tý rồi học bài”.

Do những ảnh hưởng của dịch bệnh, mùa hè này, trẻ thiếu các sân chơi ngoài trời cùng bạn bè, thầy cô, thay vào đó hầu hết thời gian là bên cạnh cha mẹ và giải trí bằng các phương tiện khác.

Em Huỳnh Tuấn Anh, ở xã Mỹ Xương cho biết thêm: Dạ con chơi đồ chơi lắp ráp với phụ mẹ làm sen, con lau nhà, quét nhà. Con trông cho hết dịch con vô lớp gặp mấy bạn với gặp thầy cô”.

Anh Huỳnh Văn Phiên (cha của Tuấn Anh), ở xã Mỹ Xương thông tin: “Lúc trước bé thường coi tivi, điện thoại giờ sắp tới học rồi sắp xếp cho bé ôn bài, chuẩn bị năm học mới hoàn chỉnh cho nó biết bài vở, cũng mua tập viết, quần áo sẵn sàng hết rồi”.

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 không chỉ làm xáo trộn thời gian và hình thức bắt đầu năm học mới của các em mà còn gia tăng những thiệt thòi cho các trẻ có hoàn cảnh vốn đã khó khăn.

Nhiều trẻ em trong vùng dịch, vùng nguy cơ cao luôn cần sự hỗ trợ kịp thời. Như tại xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh – nơi từng là điểm nóng của dịch bệnh, công tác tiếp cận, giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đòi hỏi các cộng tác viên phải mất nhiều thời gian, giữ kết nối xuyên suốt với các các ấp. Để dù dịch bệnh phức tạp thì cũng không để trẻ em nào bị bỏ lại.

Chị Thiệu Thị Thúy Hằng, Cộng tác viên Công tác xã hội xã Mỹ Long bộc bạch: “Từ nguồn UNICEF trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 300 ngàn đồng và 10 khẩu trang cho trẻ có hoàn cảnh khó mùa Covid-19 từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa và Quỹ bảo trợ trẻ em. Địa phương cũng có vận động các mạnh thường quân hỗ trợ được 25 trẻ hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ rơi vào đặc biệt, mỗi suất là 500 ngàn, chia làm nhiều đợt phát, có thể một suất là 300 ngàn kèm theo nhu yếu phẩm, gạo phối hợp đoàn thanh niên đi 2 người đến từng nhà phát cho trẻ chứ không có gởi”.

Cha mẹ đi làm ăn xa bị kẹt lại ở vùng dịch. Có những trường hợp trẻ ở ngay trong khu phong tỏa, khu cách ly tập trung. Dù là hoàn cảnh khó khăn nào thì tất cả các em đều có quyền được trở lại trường lớp, quyền được học tập như nhau.

Đại dịch COVID-19 đang tác động rất lớn tới trẻ em trên nhiều mặt, trong đó có quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội. Bằng nhiều giải pháp, nhiều nguồn lực khác nhau, trẻ em huyện Cao Lãnh được tiếp cận, hỗ trợ, tuy nhiên vẫn sẽ chưa thể nào là đủ, là trọn vẹn trong bối cảnh vẫn còn dịch bệnh Covid-19.

Chuẩn bị năm học mới cho trẻ bên cạnh sách vở, trường lớp an toàn, còn là những nổ lực hàn gắn những tổn thương, thiệt thòi về tinh thần do Covid-19 gây nên.

Thành Sơn