Xuất bản thông tin

null Lão nông Đoàn Thanh Hiền cả đời gắn bó với cây xoài

Chi tiết bài viết Tin tức

Lão nông Đoàn Thanh Hiền cả đời gắn bó với cây xoài

Trong những năm gần đây, Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được x3m là nhiệm vụ hàng đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Ðồng Tháp nói chung, huyện Cao Lãnh nói riêng. Xoài là cây trồng được tỉnh chọn lựa là một trong năm ngành hàng của Ðề án tái cơ cấu nông nghiệp. Ðể có được những thành quả như ngày hôm nay, đó là kết quả của một chặng đường hết sức nhọc nhằn, gian nan, đó là sự thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của bà con nông dân. Đặc biệt, là đã có rất nhiều lão nông tri điền đã tiên phong, gương mẫu đi đầu tham gia thực hiện Đề án này.

Ông Đoàn Thanh Hiền (63 tuổi) ở xã Mỹ Xương là một trong những lão nông tham gia Đề án cho biết, ban đầu ông chỉ trồng 4000m2 xoài cát Hòa Lộc, sau đó thấy ăn nên làm ra nên ông mạnh dạn đầu tư thêm 13.000m2 nữa và chuyên canh toàn bộ vườn nhà bằng 2 loại xoài chủ lực, trong đó có 12.000  xoài Cao Lãnh và 5.000 xoài Cát Chu Cao Lãnh. Tổng số cây cho trái hiện nay là 450 cây có tuổi đời từ 12 đến 21 năm đều được ông trồng bằng phương pháp cấy ghép, không trồng bằng hạt như phương pháp truyền thống, cá biệt có cây đã 55 năm tuổi.

Ông Đoàn Thanh Hiền đang chăm chút sản phẩm dự Hội thi “Trái xoài ngon”

Cạnh đó, ông đã gia cố bờ bao khu vườn hoàn thiện, đắp mô từng gốc xoài và lắp đặt hệ thống phun tưới tự động vừa nhanh, gọn, tiết kiệm nhiều thời gian và nhẹ công lao động, ông triệt để áp dụng cách trồng theo phương pháp GlobalGap, VietGap nên chất lượng trái luôn đạt năng suất và sản lượng. Với giá bán bình quân xoài cát Cao Lãnh từ 80.000 đến 120.000 đồng/ký; xoài cát Chu từ 25.000 đến 35.000 đồng/ký, mỗi năm trừ hết các khoản chi phí đầu tư, ông có lãi từ 400 đến 500 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, ông Đoàn Thanh Hiền đã biến vườn xoài của mình thành điểm du lịch sinh thái với diện tích rộng 1,7ha. Ông Hiền cho biết: “Hướng đến Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023, gia đình tôi sẻ mở cửa đón khách tham quan các ngày trong tuần. Đến với điểm tham quan, du khách sẽ được gia đình giới thiệu về quy trình sản xuất xoài; được thưởng thức những món ngon chế biến từ xoài như: xoài sấy, dưa xoài, yaourt xoài, rượu xoài cùng các dịch vụ đặc trưng của miền sông nước như câu cá, đờn ca tài tử…và mua sản phẩm trực tiếp tại vườn. Ngoài ra tôi cũng đã chuẩn bị sản phẩm dự Hội thi “Trái xoài ngon” và hội thi tạo hình, trình bày mâm quả đẹp từ xoài sắp tới với 2 loại Xoài Cao Lãnh và Xoài Cát Chu Cao Lãnh”.

Ông Hiền cũng kỳ vọng thông qua lễ hội xoài lần này góp phần tốt hơn để giới thiệu, quảng bá thương hiệu xoài Đồng Tháp. Qua đó tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài; mở ra cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và du khách, nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh nhà. Đồng thời đây cũng là cơ hội để nông dân chúng tôi trao đổi với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xoài thời gian tới.

Ông Đỗ Thanh Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Lãnh cho biết thêm: “Anh Hiền là nông dân sản xuất giỏi toàn quốc, đã được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016" nên có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng trọt. Anh rất tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng xoài nói riêng, các loại cây ặn trái nói chung, luôn khám phá tìm tòi cái mới trong sản xuất, là thành viên tích cực, tiên phong tham gia mô hình “Cây xoài nhà tôi”, hiện tại anh Hiền đang tất bật chuẩn bị các sản phẩm Xoài để tham dự hội thi ‘Trái xoài ngon” sắp tới”.

Cần cù, sáng tạo, nhạy bén, nắm bắt tốt diễn biến thị trường, tận dụng tốt các giải pháp khoa học kỹ thuật; luôn sống hết lòng vì mọi người, đó là những gì mà chúng tôi muốn kể về hình ảnh người nông dân huyện Cao Lãnh nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Thành Sơn