Xuất bản thông tin

null Tự uống thuốc trị Covid-19 theo sự mách bảo, trên các trang mạng mang lại hiệu quả hay hậu quả

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Tự uống thuốc trị Covid-19 theo sự mách bảo, trên các trang mạng mang lại hiệu quả hay hậu quả

Hiện nay, tình trạng tự mua thuốc trị Covid-19, theo toa truyền miệng của người quen, mua trên mạng lại xảy ra nhiều hơn. Có những loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo như "thần dược trị bách bệnh", trong đó trị dứt luôn Covid-19, nhưng thật ra hiệu quả không thấy đâu, nếu may mắn thì dừng lại ở trạng thái không tác dụng, nếu không may thì có thể gặp trường hợp "tiền mất tật mang".

 Một số người lợi còn dụng tâm lý lo lắng của người nhà bệnh nhân để trục lợi, bán những loại thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh. Chỉ cần không đến 5 phút lướt trên các trang mạng có thể bắt gặp hàng trăm lời quảng bá về các loại thuốc trị Covid - 19 "xách tay" với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn và hướng dẫn cách sử dụng…Thuốc được tư vấn là thuốc điều trị Covid -19 của nhiều nước trên thế giới, có tác dụng ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm Covid -19. Thuốc có nhiều dạng, dùng cho các lứa tuổi và giá thì "trên trời" từ vài triệu đồng đến vài chục triệu cũng được chào bán tràn lan.

Thế nhưng, nhiều người vẫn tìm mua các loại thuốc này với tâm lý "phòng bệnh". Chị NTT ở thị trấn Mỹ Thọ chia sẻ: "Nơi tôi làm việc mới có F0, nhà có con nhỏ, bố mẹ già, nên cũng mua sẵn thuốc kháng virus để dự phòng. Chị cho hay, qua tham khảo trên mạng chị thấy có rất nhiều loại thuốc trị Covid -19 của nước ngoài với nhiều loại giá khác nhau và đã tìm mua một số loại, với số tiền gần 5 triệu đồng, nhưng chị không hề biết khi sử dụng vào thì mang lại “hiệu quả” hay “hậu quả” vẫn còn là một ẩn số”.

Việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Thuốc kháng virus là một loại thuốc được sử dụng đặc biệt để điều trị bệnh do virus gây ra. Có nhiều loại virus gây bệnh khác nhau và mỗi loại thuốc kháng virus chỉ có tác dụng trên loại virus đặc trưng, nói cách khác, không thể đem thuốc điều trị virus này để dùng cho bệnh do virus khác gây ra. Đặc biệt là thuốc trị Covid -19 là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu trong thời gian tới.

Chúng ta biết rằng dù là toa thuốc của ai, thì toa thuốc đó chỉ có tác dụng với cá nhân người đó, mà không có tác dụng, thậm chí có hại đối với người khác. Mỗi một người là một cơ thể riêng biệt. Người trẻ khác, người già khác, người có bệnh nền khác, người có cơ địa dị ứng khác với người bình thường.

Tùy theo cơ địa từng người mà bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp, liều lượng và cách dùng cũng phải phù hợp. Vì vậy, một toa thuốc không được dùng chung cho bất cứ một ai, thậm chí cùng một người bệnh, tùy sự tiến triển của bệnh mà bác sĩ gia giảm hoặc đổi thuốc khác.

Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid -19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid -19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.

Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid -19 theo mách bảo, truyền miệng, hay trên các trang mạng. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid -19 ở người bệnh. Để có chẩn đoán chính xác, điều trị đúng bệnh Covid-19, phải chủ động đến gặp bác sĩ hoặc đi đến những cơ sở y tế gần nhất.

Để tránh mắc Covid -19, cách tốt nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin đầy đủ và tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế…

Thành Sơn