Xuất bản thông tin

null Nhiều nông dân Cao Lãnh chọn hướng làm ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng

Chi tiết bài viết Tin tức

Nhiều nông dân Cao Lãnh chọn hướng làm ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp chịu tác động lớn từ những biến động giá cả vật tư nông nghiệp đã làm cho chi phí sản xuất của nông dân tăng cao, khó đạt được mức lợi nhuận mong đợi. Từ chăn nuôi, trồng trọt đều bị ảnh hưởng khá nhiều trong thời gian qua. Trước tình hình này, việc ứng dụng các biện pháp sản xuất vừa giảm chi phí và tạo ra những mặt hàng nông sản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng là việc mà ngành nông nghiệp khuyến khích nhiều nông dân huyện nhà thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Vườn măng tây sinh học của anh Lộc

Trong đó ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi và trồng trọt là một phương pháp mới nhằm giải quyết căn bản bài toán giảm chi phí sản xuất hiện nay. Qua đó, huyện Cao Lãnh có nhiều nông dân kiên trì học hỏi, mạnh dạng đầu tư để ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và từng bước đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Trong số đó phải kể đến mô hình trồng măng tây của anh Dương Tấn Lộc, ở xã Mỹ Long, với 1000 m2 trồng măng tây gần 1 năm qua, anh Lộc đã kiên trì sử dụng phân và thuốc sinh học thay thế cho phân thuốc hóa học. Gọi là kiên trì bởi hầu hết nông dân đã quen với tác dụng nhanh, mạnh của các hoạt chất vô cơ. Chính nhờ sự kiên trì này khi chuyển qua sử dụng các sản phẩm hữu cơ, vi sinh, mà vườn măng tây của anh giảm được hơn 30% chi phí, năng suất chất lượng măng tốt hơn và có đầu ra ổn định.

Anh Dương Tấn Lộc cho biết: “Sử dụng thuốc vi sinh nó đầm hơn thuốc hóa học, măng nó xanh hoài, ít dịch hại hơn, tạo điều kiện cho phân tồn được hấp thụ hết, phân thuốc hóa học mình sử dụng hằng ngày thì không thu hoạch măng được, mà phải đợi cách ly, còn hữu cơ, vi sinh này không độc hại bởi đây sản xuất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên như: cá ủ, gừng, tỏi, ớt…. nên an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Còn đối với vườn nhãn idor của gia đình anh Lê Minh Khánh ở cồn Bình Thạnh thì sau khi lấy trái, hầu hết các gốc nhãn đều cần bổ sung dinh dưỡng để phục hồi tăng trưởng. Trong điều kiện giá vật tư tăng đột biến, anh Khánh đã sử dụng các dòng hữu cơ vi sinh thay cho phân hóa học.

Điểm nổi bật của công nghệ sinh học là có đa tác dụng và an toàn. Chế phẩm này là tập hợp hàng chục các loài vi sinh vật có ích. Sống cộng sinh trong cùng môi trường, đó là lên men, tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau. Trong đó chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển. 

Anh Lê Minh Khánh chia sẻ: “Nếu mình sử dụng phân hóa học nhiều để thúc cây phục hồi thì chi phí nó rất cao, mà cây phục hồi cũng không tốt bằng so với sử dụng chế phẩm vi sinh, cây phục hồi nhanh hơn, chi phí nó giảm hơn, thân thiện môi trường, không độc hại với con người. Chế phẩm vi sinh giúp cho vi sinh vật trong đất hoạt động tốt hơn, giúp cây phóng thích độc tố trong đất”

Qua sử dụng trên các loại cây trồng khác nhau như: ớt, nhãn, măng tây, xoài,…Chế phẩm sinh học đã giúp giải phóng dần dần được hàm lượng dinh dưỡng do phân hóa học còn tồn dư trong đất mà cây chưa hấp thụ hết. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các nhóm vi sinh hữu hiệu gia tăng mật số và cải tạo lại lớp đất mặt, hạn chế sự xâm nhập của vi sinh gây hại và nấm bệnh.

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng ớt và cũng đã thử nghiệm sử dụng để so sánh nhiều lần giữa sản phẩm hóa học và chế phẩm sinh học, ông Nguyễn Văn Được, ở xã Mỹ Thọ cho rằng: “Sinh học nó hiệu quả hơn, giữa màu ớt này so với màu ớt kia, thì bên sinh học nó xanh đậm hơn, lá nhuyễn hơn, chi phí hóa học là cao hơn sinh học rất nhiều, cho nên làm sinh học giúp nông dân lợi nhuận nhiều, mong rằng thời gian tới tiếp tục có nơi bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm làm và có thu nhập cao hơn”

Ngoài việc áp dụng trên các loại cây trồng để giảm chi phí đầu tư thì việc áp dụng các chế phẩm sinh học, thay thế dần các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ cũng đang là hướng đi của ngành nông nghiệp Đồng Tháp nói chung, huyện Cao Lãnh nói riêng. Hạn chế tối đa sản xuất chạy theo số lượng, lạm dụng phân thuốc hóa học như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Phong, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lãnh khuyến cáo: “Về sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái, theo xu hướng hiện nay Trung tâm khuyến cáo bà con nên sản xuất theo hướng sinh học, để giúp sản phầm làm ra không còn dư lượng để dễ bán, đồng thời bảo vệ môi trường, bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng”.

Vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi có nguy cơ xóa sổ loài cây ăn trái đặc sản này của một số nơi trong tỉnh Đồng Tháp một phần cũng xuất phát từ sự lạm dụng phân thuốc hóa học. Do đó, để cải thiện chất đất, tư liệu sản xuất quý hiếm thì việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ được xem là giải pháp tối ưu mà nông dân cần hướng đến.

Thành Sơn