Xuất bản thông tin

null Hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch

Chi tiết bài viết Tin tức

Hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phòng, chống dịch Covid - 19, trong bối cảnh dịch bệnh đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân đang là yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh. Thời gian qua, Huyện đã tăng cường ứng dụng CNTT để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động này đã và đang được sự chung tay phối hợp, vào cuộc rất tích cực của các ngành, địa phương và người dân.

Hiện nay, có nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống Covid -19. Trong đó, có 5 ứng dụng được các ngành chức năng khuyến khích người dân, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng như: Bluezone - Cảnh báo nếu tiếp xúc gần người nhiễm Covid -19; ứng dụng Ncovi- hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện, cho phép mỗi người dân cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân và của gia đình thông qua khai báo y tế tự nguyện; ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh - VHD; hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng (mã QR-Code) tại các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng; hệ thống bản đồ chống dịch - an toàn Covid -19.

Bluezone, Ncovi và mã QR-Code được phổ biến

Ứng dụng Bluezone ra mắt vào tháng 4-2020, nhưng gần đây số lượng người sử dụng ở huyện Cao Lãnh cũng tăng mạnh khi dịch bùng phát trở lại và được đánh giá cao, là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc truy vết tiếp xúc. Sau khi người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone), điện thoại sẽ tự ghi nhận vào nhật ký thời điểm và thời gian tiếp xúc của người dùng. Từ đó, thiết bị cảnh báo cho người dùng nếu tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, giúp cơ sở y tế nhanh chóng khoanh vùng, cách ly các ca nghi nhiễm, người tiếp xúc gần với ca nhiễm.

Đội thanh niên tình nguyện Shipper áo xanh chuyển hàng miễn phí đến tay người dân

Với ứng dụng Ncovi, người dùng sẽ cung cấp các thông tin phản ánh người nghi ngờ mắc bệnh, người đi về từ vùng dịch, hoặc khai báo thông tin sức khỏe hiện tại của mình để cơ quan chức năng triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch. Ứng dụng khai báo y tế điện tử bằng mã QR Code tại các cơ quan, đơn vị, các địa điểm công cộng trên địa bàn huyện và hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin phòng Covid -19.

Để nhanh chóng đưa những ứng dụng này vào vận hành, sử dụng tại các cơ quan, đơn vị và mỗi người dân, huyện Cao Lãnh đã thành lập tổ công tác triển khai cài đặt phần mềm phòng, chống dịch bệnh Covid -19; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền; ban hành các văn bản hướng dẫn và đề nghị các cơ quan, địa phương cài đặt phần mềm phòng, chống dịch bệnh Covid -19 lên cổng, trang thông tin điện tử của đơn vị mình...

Tuy nhiên, hiện ứng dụng này khá mới mẻ, cho nên nhiều người vẫn chưa biết đến để cài đặt. Thậm chí, không ít người đã tải nhầm một ứng dụng khác có tên "Bluzone" (gần giống với Bluezone), không phải là ứng dụng truy vết Covid-19 và không sử dụng tiếng Việt. Việc tải nhầm ứng dụng khiến cả đơn vị phát triển và người dùng đều bị ảnh hưởng; nhiều người đã vội vàng cho rằng ứng dụng khó sử dụng, không có tác dụng truy vết Covid-19 như giới thiệu. Theo các chuyên gia công nghệ, chỉ cần người dùng gõ đúng tên ứng dụng là "Bluezone" sẽ không gặp tình huống nêu trên.

Anh Mạnh ở thị trấn Mỹ Thọ chia sẻ: “Tôi đã cài đặt ứng dụng Bluezone, tuy nhiên băn khoăn là ứng dụng này có "quét" được FO, F1 hay không và thường các đối tượng này đã được cách ly y tế thì cài đặt ứng dụng Bluezone liệu có phát huy tác dụng hay không”.

 Giải đáp băn khoăn này. Bà Phan Thị Ái Xuân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin cho biết: “Ứng dụng sẽ ghi nhận lịch sử tiếp xúc của người cài đặt, nếu trong số những người đã tiếp xúc được xác định là F0 sau đó thì ứng dụng sẽ tự cảnh báo kịp thời cho cá nhân. Nếu F0 đó đã cài Bluezone từ trước thì việc truy vết, khoanh vùng các F1, F2 được thực hiện rất nhanh. Do vậy nhiều người cài đặt ứng dụng này để họ tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn là điều rất cần thiết”.

Covid -19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tế này đòi hỏi cần có các giải pháp chống dịch bệnh phi truyền thống, bằng CNTT kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng nhằm góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng dịch bệnh một cách chính xác, hiệu quả, góp phần ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi Covid -19.

Theo đó, cả hệ thống chính trị ở huyện Cao Lãnh đã bắt tay vào cuộc thực hiện biện pháp “gõ cửa từng nhà” để phát tờ rơi tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn tuyên truyền những tiện ích cũng như cách thức cài đặt ứng dụng Bluezone. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Cao Lãnh đã triển khai tất cả những ứng dụng bắt buộc theo quy định của trên.

Trong đó, có 27,8% (22.605/81.272) số người có điện thoại thông minh đã cài đặt ứng dụng Bluezone; ứng dụng khai báo y tế điện tử bằng mã QR Code được cài đặt tại trên 1.194 địa điểm công cộng trên địa bàn Huyện với khoảng 6.862 lượt người truy cập… Việc cập nhật ứng dụng quản lý tiêm chủng Covid -19 người dân trong Huyện có thể tra cứu tình trạng tiêm vắc-xin của mình.

Công nghệ số giúp HTX mở rộng thị trường

Với sự phát triển về công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, hình thức mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, việc chọn quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra… thông qua website, mạng xã hội mang đến cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở huyện Cao Lãnh thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng nền kinh tế số.

Thời gian qua, các HTX dịch vụ nông nghiệp như: Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung, An Bình, Mỹ Long, xoài Mỹ Xương, chanh, cá điêu hồng Bình Thạnh… đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo, dù chưa thể tháo gỡ hoàn toàn bài toán tiêu thụ nông sản cho bà con, nhưng mô hình này cho thấy hiệu quả bước đầu, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh, việc giao thương mua bán truyền thống đang gặp nhiều trở ngại. Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các HTX trong thời đại công nghệ số.

Đơn cử như HTX dịch vụ nông nghiệp An Bình, trong những năm qua, HTX này luôn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau màu theo hướng VietGAP, an toàn nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đã tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp các loại rau quả, bảo đảm an toàn cho thị trường trong và ngoài huyện; HTX còn mở rộng kinh doanh thông qua thị trường công nghệ. 

Ông Nguyễn Tấn Lực, Chủ tịch HĐQT, HTX DVNN An Bình cho biết: “Trước đây, các sản phẩm của HTX sau khi được thu hoạch, thường phải vận chuyển đến các chợ đầu mối để tìm người thu mua. Nhưng hiện nay, thành viên đã chụp ảnh sản phẩm đăng lên Zalo, Facebook để quảng cáo. Nhờ đó, khách hàng có thể nắm được các sản phẩm hiện có tại HTX. Cùng với đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, lượng khách đặt hàng tăng nhanh qua các tháng. Qua các trang mạng xã hội của thành viên, khách hàng có thể đặt hàng và được HTX giao hàng tận nơi. Đây là cách giúp mang rau quả an toàn đến tận tay người tiêu dùng, tạo niềm tin và hình thành nên thói quen sử dụng rau sạch, đặc biệt là trong tình hình giãn cách xã hội như hiện nay thì việc làm này càng phù hợp hơn rất nhiều”..

Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, thông qua nền tảng công nghệ số không chỉ được mở rộng bởi các thành viên HTX mà hiện nay nhiều địa phương đã hỗ trợ người dân cũng như các HTX xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tiêu biểu như HTX xoài Mỹ Xương, HTX chanh Bình Thạnh….

Đầu tháng 7 vừa qua, nhận thấy thị trường tiêu thụ có khả năng bị thu hẹp do nhiều địa phương thực hiện giãn cách, cách ly xã hội; lượng khách hàng bị giảm, các HTX ở huyện Cao Lãnh quyết định tìm kiếm, đưa sản phẩm lên website hoặc các trang mạng xã hội, nhờ vậy mà đã góp phần tích trong khâu tiêu thụ nông sản cho bà con.

Đi chợ trên điện thoại

Bùng nổ trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đến nay dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng các ứng dụng “Đi chợ online” vẫn đang là người bạn đồng hành cùng người dân nhờ sự tiện lợi, đầy đủ mà vẫn đảm bảo an toàn.

Cùng với nhịp phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hình thức “Đi chợ online” đang là giải pháp hoàn hảo cho các bà nội trợ ở huyện Cao Lãnh trong việc mua sắm thực phẩm tươi và nhận hàng ngay tại nhà mà không cần ra ngoài. Trên ứng dụng mua sắm, người dùng có thể lựa chọn các sản phẩm từ đồ ăn tươi sống đến các vật dụng gia đình, chỉ một thời gian ngắn, các mặt hàng sẽ được giao tận nhà mà không cần bước chân tới chợ truyền thống hay siêu thị.

Chị Hồ Thanh Trúc, ở thị trấn Mỹ Thọ cho biết: “Tôi đã tự xoay xở bằng cách đa dạng kênh mua sắm trên các trang mạng xã hội, những nơi bán hàng trong huyện Cao Lãnh, hoặc để an tâm nhất tôi sử dụng điện thoại đặt hàng qua các đội tình nguyện “Đi chợ giúp dân” do thị trấn thành lập thay vì phụ thuộc vào các siêu thị. Hơn một tháng qua, nhà tôi vẫn luôn có đầy đủ rau củ, thịt, thậm chí các món khó như bún bò, phở, bánh cuốn... mà không còn phụ thuộc vào kênh siêu thị. Qua đây cho thấy việc sử dụng công nghệ nó đã quan trọng rất lớn đến cuộc sống chung ta hiện nay”.

Ngay cả với những người trong khu vực phong tỏa và cách ly y tế vẫn có thể dễ dàng đặt mua hàng online. Khách chỉ cần đặt hàng qua mail, tin nhắn Zalo, Facebook hoặc gọi trực tiếp đến các tiểu thương, cửa hàng với các combo hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu cho bữa cơm.

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng là Bluezone tại nhà

Do nằm trong khu vực bị cách ly rồi phong tỏa kéo dài, bà Ngọc Trâm ở xã Bình Hàng Tây cho biết đã cùng với một số người quen gần nhà tìm cách xoay xở. Với rau củ, thịt, cả xóm cùng lập quỹ và đặt hàng của người bán trong Huyện thông qua Zalo nguyên xe vận chuyển về đầy đủ. Hàng được chia thùng tại chốt rồi Đội thanh niên tình nguyện Shipper áo xanh phát về từng nhà. Đến nay, xóm đặt được nhiều xe hàng và ai cũng yên tâm ở nhà chống dịch. “Tại sao phải lén lút ra ngoài để mua bột mì, bột gạo trong khi mua bao nhiêu cũng có tại các cửa hàng online, các đội tình nguyện đi chợ giúp dân và được giao hàng tận nhà?" – chị Trâm nói.

Hầu hết người đăng bán hàng là các tiểu thương ở khu vực chợ bị đóng cửa. Các nhà cung cấp là hộ kinh doanh mặt hàng rau, củ quả, thủy hải sản, thịt...các nhà vườn, thành viên HTX, THT trong Huyện cho nên đã góp phần tạo niềm tin rất lớn cho người mua hàng.  

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 thì sử dụng công nghệ để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch, giảm việc thực hiện cách ly trên diện rộng ngày càng đặt ra cấp thiết. Nếu các giải pháp công nghệ nêu trên được người dân nghiêm túc thực hiện thì xã hội có thể duy trì được hoạt động tương đối bình thường, các địa điểm kinh doanh, khu công nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh.

Do đó, để phát huy hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong phòng, chống Covid -19, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các địa phương, người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chung sức phòng chống dịch, chủ động cài đặt, sử dụng các phần mềm hỗ trợ đã được hướng dẫn để tạo sức mạnh tổng hợp thành ba mũi tấn công (công nghệ thông tin, xét nghiệm chủ động và tiêm vắc-xin) nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch Covid -19. Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các địa phương và người dân, dịch bệnh Covid -19 sẽ nhanh chóng được kiểm soát./.

Thành Sơn