Xuất bản thông tin

null Trao giải cuộc thi sáng tác tác phẩm chào mừng Đại hội Đảng các cấp

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Trao giải cuộc thi sáng tác tác phẩm chào mừng Đại hội Đảng các cấp

Ngày 27/01/2021, Hội Khoa học lịch sử và Văn học nghệ thuật huyện Cao Lãnh tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác Tác phẩm Văn học, nghệ thuật, báo chí về chuyên đề “Chào mừng Đại hội Đảng các cấp”. Nhạc sĩ Trần Tấn Lực, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Tỉnh; ông Lê Thanh Tâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cao Lãnh tham dự.

Các tác giả nhận giải thưởng

Phát động sáng tác từ đầu tháng 4 năm 2020, với 5 thể loại, gồm: Văn học, bài viết - mẫu chuyện, ca khúc, sân khấu – ca cổ, tranh - ảnh, Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 tác phẩm của các tác giả trong, ngoài huyện. Cuộc thi đã tuyển chọn, trao giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc về các vấn đề mang tính tổng kết thực tiễn; những vấn đề mới, có tính phát hiện cao, đề cập những vấn đề Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị; có tính định hướng dư luận, tác động tích cực đến đời sống xã hội. Kết quả Ban tổ chức cuộc thi quyết định tặng thưởng và trao các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích cho 30 tác giả có tác phẩm chất lượng tốt.

Dịp này, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Tỉnh phối hợp với Hội Khoa học lịch sử và Văn học nghệ thuật Huyện cũng đã tổ chức tổng kết lớp tập huấn sáng tác bài ca Vọng cổ huyện Cao Lãnh năm 2020.

Tại lớp tập huấn, 10 học viên là hội viên chuyên ngành văn học, sân khấu, âm nhạc đã được giới thiệu về phương pháp, kinh nghiệm sáng tác lời mới bài ca vọng cổ và 20 bài bản Tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Trong đó, các học viên tập trung phân tích, tìm hiểu, nghiên cứu nghệ thuật viết lời ca vọng cổ như: mở đầu bài vọng cổ, nghệ thuật viết cặp hò, nghệ thuật diễn đạt ngôn từ cổ, từ lịch sử, từ vay mượn, từ địa phương trong bài vọng cổ và nghệ thuật viết lời ca bài tài tử của các tác giả nổi tiếng. Kết quả của lớp tập huấn lần này có thể đánh giá là vượt kỳ vọng của Ban tổ chức.

Thông qua lớp tập huấn, các tác giả có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau, tiếp cận những vấn đề mới và cụ thể về phương pháp sáng tác. Từ đó, giúp các tác giả nâng cao khả năng sáng tác lời mới các bài vọng cổ, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa nghệ thuật; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UBNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Thành Sơn