Xuất bản thông tin

null Nhiều kỳ vọng trong chương trình OCOP

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Nhiều kỳ vọng trong chương trình OCOP

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (gọi tắt là chương trình OCOP), đang được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lãnh tích cực triển khai. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Với huyện Cao Lãnh, chương trình này cũng đang được đặt nhiều kỳ vọng, sẽ thổi luồng gió mới góp phần đổi thay đời sống Nhân dân, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Ông Lê Chí Thiện, Chủ tịch UBND Huyện chủ tọa phiên họp đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP năm 2020.

Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huyện cho biết: “Thời gian qua, Huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ðồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững. Thấy được ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, Huyện có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các địa phương”.

Bên cạnh đó, đã phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP Huyện, Xã và các Hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện cải tiến bao bì, nhãn mác sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm, sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đủ điều kiện để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Năm 2020, huyện Cao Lãnh có 15 sản phẩm mới tham gia đánh giá, phân hạng, trong đó có 13 sản phẩm đạt từ 3-5 sao  như: Mít sấy, chuối sấy, khoai lan sấy, trái cây sấy, hạt sen sấy của đơn vị xã Bình Thạnh, Gạo AKITA-X xã Nhị Mỹ, Bánh Tai heo thị trấn Mỹ Thọ, hoa sen tửu của Gáo Giồng,… còn lại 2 sản chưa đạt yêu cầu là trà Mãng cầu Tân Nghĩa và xoài hữu cơ Mỹ Hội.

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn huyện năm 2021, với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện chương trình OCOP, ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết về định hướng thực hiện trong thời gian tới: “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hơn nữa về chương trình OCOP. Qua đó, từng địa phương phải chủ động rà soát, định hướng cho các chủ thể đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình; hỗ trợ các chủ thể cập nhật, bổ sung hồ sơ minh chứng khi tham gia chương trình OCOP. Hướng dẫn các HTX, THT, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đăng ký đầy đủ các thủ tục sản xuất, kinh doanh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,… để đủ điều kiện tham gia thực hiện chương trình OCOP, đồng thời thường xuyên sáng tạo, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định để nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá trên thị trường. Phấn đấu thi nâng hạng các sản phẩm năm 2020 đã đạt từ 3 - 4 sao lên 4 - 5 sao; có ít nhất 5 sản phẩm mới đạt từ 3 - 4 sao”.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" nếu được triển khai tốt sẽ rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thêm vào đó, chương trình sẽ thổi một luồng gió mới giúp các địa phương nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Trước mắt, sẽ chọn sản phẩm nổi bật để phát triển, từng bước nhân rộng, sau đó sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng, vận động các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" trên địa bàn huyện Cao Lãnh.

Thành Sơn