Xuất bản thông tin

null Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thăm mô hình ở huyện Cao Lãnh

Chi tiết bài viết Tin tức

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thăm mô hình ở huyện Cao Lãnh

Chiều ngày 29/10/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương đến thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Trung sản xuất gạo tươi đóng gói cung cấp cho thành viên và mô hình cây măng Tây xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Cùng đi với Đoàn có bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Huyện; ông Lê Chí Thiện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện.

Description: C:\Users\NT\Desktop\CT tinh tham mo hinh\hinh2.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đến thăm HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Trung

Tháng 7/2019, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Trung được ra mắt trên nền Hội quán Mỹ Thành, với 413 thành viên, tổng vốn góp trên 770 triệu đồng, đang hoạt động các dịch vụ như: Bán bảo hiểm xe gắn máy, tín dụng nội bộ, liên kết tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư đầu vào. Thông qua hỗ trợ của Tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm đào tạo - Tư vấn kinh tế hợp tác thuộc Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hợp tác xã đã đưa vào sử dụng hệ thống máy xay xát lúa gạo, máy hút chân không và cân điện tử, tổng chi phí hơn 188 triệu đồng để thực hiện dịch vụ cung cấp gạo an toàn đóng gói cho thành viên Hợp tác xã, với giá thấp hơn so với giá thị trường. Đồng thời, Hợp tác xã đang có kế hoạch để liên kết tiêu thụ gạo với các doanh nghiệp, sản lượng khoảng 20 tấn/tháng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đến thăm mô hình măng tây của nông dân Phạm Văn Khắp

Đến thăm mô hình 1.000 m2 măng Tây của nông dân Phạm Văn Khắp, ấp 1, xã Mỹ Long. Theo ông Khắp, măng Tây là loại cây chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch kéo dài từ 5 đến 7 năm, mỗi ngày thu hoạch khoảng 3 – 5 kg, giá bán lẻ từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg. Khi sản lượng nhiều thì Công ty GAPFOOD ký hợp đồng tiêu thụ với giá 40.000 đồng/kg. Mỗi lần thu hoạch kéo dài 3 - 4 tháng (tùy vào chế  độ chăm sóc) thì ngưng 01 tháng để nuôi dưỡng lại cây mẹ mới và sau đó bắt đầu thu hoạch tiếp 3 - 4 tháng.

Được biết, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2019, Huyện đã hỗ trợ cho nông dân xã Mỹ Long với diện tích 0,3 ha/2 hộ. Tổng kinh phí hỗ trợ phân hữu cơ là 12,6 triệu đồng. Riêng năm 2020, mô hình được tiếp tục nhân rộng lên 01 ha tại các xã: Bình Hàng Trung, Phương Trà, Mỹ Long và Mỹ Hiệp. Mô hình măng Tây có chi phí đầu tư khoảng 25 đến 30 triệu đồng/1.000m2 nên trong năm đầu nông dân chưa thu được lãi. Sản lượng cao nhất thường tập trung từ năm thứ 3 đến năm thứ 5; năm thứ 6 đến năm thứ 7 năng suất và chất lượng măng bắt đầu giảm.

Ông Nguyễn Văn Dương ghi nhận sự nỗ lực của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Trung đã cố gắng phát triển thêm dịch vụ mới cho thành viên, đồng thời đề nghị Hợp tác xã tiếp tục quan tâm đến xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn để cung cấp dịch vụ gạo đóng gói; đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ để ổn định đầu ra. Đối với mô hình trồng măng Tây của nông dân Phạm Văn Khắp, ông Nguyễn Văn Dương đánh giá cao hiệu quả kinh tế của mô hình và đề nghị địa phương, ngành chuyên môn huyện tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ người dân sản xuất ngày càng hiệu quả hơn.

Thành Sơn