Xuất bản thông tin

null Tâm huyết với nghề trồng rau sạch

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Tâm huyết với nghề trồng rau sạch

Trồng rau sạch với hi vọng mọi người cùng có rau sạch để dùng, vừa nghe tưởng chừng là câu chuyện đùa. Nhưng đó lại là tâm niệm của một nông dân tại thị trấn Mỹ Thọ huyện Cao Lãnh. Không có kiến thức nền một cách bài bản, không có nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, cái được ở người nữ nông dân này là tấm lòng và sự quyết tâm.

Nhìn những luống rau xanh tốt, ít ai biết nó là cả một niềm mong ước của người nữ nông dân Nguyễn Thị Thanh. Bén duyên với cây rau xanh từ ý tưởng manh nha hơn 5 năm trước, chị đã tích lũy vốn và gầy dựng cho mình một nhà lưới quy mô để sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ. Không nhiều kiến thức về rau xanh, kinh nghiệm chăm sóc cũng còn hạn chế, ấy vậy mà nhờ đôi bàn tay cần cù, tính chịu thương, chịu khó đã giúp người nữ nông dân có được thành quả to lớn như hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Thanh đang chăm sóc rau sạch trồng trong nhà lưới

Bà Nguyễn Thị Thanh, ở khóm Mỹ Tây, Thị trấn Mỹ Thọ chia sẻ: “Rau là để phục vụ bữa cơm hàng ngày cho bà con, cho nên mình trồng rau mà là rau sạch để cung cấp cho bà con, tại vì thị trường rau bây giờ trôi nổi nhiều quá, đa số là rau không được bảo đảm. Cho nên mình quyết tâm trồng rau, bởi rau nó ngắn ngày, cộng thêm tính đam mê thì mình làm thôi, chứ nói vấn đề tiền bỏ ra chừng nào lấy lại vốn thì mình không quan tâm tới, bởi mình nghĩ làm rau sạch cho bà con ăn trước cái đã, khi nào lấy lại vốn cũng được, không sao cả”.

Nhờ học hỏi và trao đổi kinh nghiệm nhiều nơi, học tập nhiều kiến thức mà chị Thanh ngày càng hoàn thiện quy trình canh tác, từ khâu làm đất, xử lí hạt giống, gieo trồng và chăm sóc. Tất cả đều được chị Thanh và gia đình chăm chút để cho ra đời những lá rau xanh mướt. Được biết thị trấn Mỹ Thọ cũng đã thành lập được Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn mà chị Thanh là thành viên nồng cốt.

Bà Phạm Thị Mỹ Tiên, Phó chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mỹ Thọ cho biết: “Mô hình sản xuất rau sạch của chị Thanh thì địa phương đánh giá rất là cao, không những mang lại hiệu quả kinh tế mà chị Thanh còn đặt ra vấn đề sức khỏe cộng đồng là trên hết, cho nên đối với mô hình này địa phương rất là quan tâm, hỗ trợ từ vốn cho đến kỹ thuật, giúp cho chị Thanh tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, thường xuyên tố chức cho chị được tham gia tập huấn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất rau sạch”.

Tuân thủ đúng quy trình canh tác, chú trọng chất lượng và kiểm soát chặt quá trình phát sinh sâu bệnh là bí quyết giúp chị Thanh thành công với hơn 1.300 m2 rau an toàn trên đất nhà. Ngoài theo đuổi hướng sản xuất hữu cơ, chị còn áp dụng hệ thống tưới phun tự động, giúp kiểm soát tốt lượng nước, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân công. Nhờ vậy mà chất lượng và mẫu mã rau an toàn của chị Thanh luôn được đánh giá cao.

Bà Thanh chia sẻ thêm: “Trong nhà lưới trồng nhiều loại rau, quả như: cà chua, khổ qua, cải xanh, cải ngọt, cải bẹ dúng, xà lách búp, xà lách đuôi phụng, mục tiêu bán thì không cần phải cao giá, hay nghỉ mình làm sạch phải bán cao giá đâu, chỉ là bán giá trung bình cho bà con dùng thôi”.

Đây được xem là mô hình hiệu quả trong số nhiều mô hình canh tác theo hướng an toàn. Bởi đích đến của của nó không phải là lợi nhuận mang lại mà đó là sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng. Dù sản lượng sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng cách làm của nữ nông dân Nguyễn Thị Thanh đã có sức tác động vào sự khuyến khích phong trào sản xuất sạch, an toàn, vừa bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ cho chính người sản xuất. 

Thành Sơn