Xuất bản thông tin

null Nâng cao chuỗi giá trị, kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch với ngành hàng lúa-gạo

Chi tiết bài viết Tin tức

Nâng cao chuỗi giá trị, kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch với ngành hàng lúa-gạo

Nhằm hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp cận các kỹ thuật công nghệ mới và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong kinh doanh sản xuất ngành hàng lúa – gạo để tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Sáng ngày 24/7/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh tổ chức Hội thảo “Chuỗi giá trị, kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch đối với ngành hàng Lúa – Gạo gắn với phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp cho hơn 70 bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Diễn giả tại buổi Hội thảo

Đến dự có ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; đồng chí Nguyễn Hồng Sự - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Lãnh; ông Lê Chí Thiện – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cùng đại diện các sở, ngành tỉnh huyện, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và các diễn giả có Giáo sư/ Tiến sĩ Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ; Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long; Tiến sĩ Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch; Phó giáo sư/ Tiến sĩ Nhan Minh Trí – Giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ thực phẩm Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ; ông Phan Văn Sáu – Phó Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp.         

Khách dự tại buổi Hội thảo

Theo Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long thì diện tích trồng lúa trong khu vực mỗi năm khoảng 4,2 triệu ha, sản lượng lúa chiếm hơn 50% tổng sản lượng trên toàn quốc. Từ năm 2015 đến năm 2018, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm đặc sản tăng 6,13%, lúa chất lượng cao tăng 1,22%, lúa chất lượng trung bình giảm 2,5%, lúa nếp giảm 3,59%. Hiện nay, người nông dân mạnh dạn chọn lọc, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng, chống chịu sâu bệnh, phục vụ xuất khẩu như Jasmine 85, OM 5451, OM 4900, OM 4218, OM7374, ST5, Nàng hoa 9, Đài thơm 8,.. có giá trị cao.

Trong vụ lúa đông xuân 2020, tỉnh Đồng Tháp được mùa với sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trong 4 tháng đầu năm 2020, Đồng Tháp xuất khẩu ước đạt 76.554 tấn gạo, kim ngạch ước đạt 30 triệu USD; tăng 27% về lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 4/2020 kim ngạch xuất khẩu gạo giảm 20%.

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn nhỏ, thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa nghiên cứu sâu thị trường, quảng cáo, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ cao trong bảo quản và chế biến lúa gạo nên sản lượng xuất khẩu của mặt hàng này vẫn còn hạn chế.

Qua trao đổi với bà con nông dân tại buổi Hội thảo, các diễn giả và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến khích người nông dân cần áp dụng khoa học tiên tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị lúa gạo như: phương pháp sấy 2 giai đoạn tầng sôi và sấy tháp; bảo quản trong hệ thống kho kín với môi trường khí quyển có bổ sung khí CO­­2, N2 hoặc điều kiện thấp; bảo quản bằng phương pháp thông gió;... Bên cạnh đó, trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị sau thu hoạch người nông dân cần chế biến các sản phẩm từ lúa gạo đa dạng, định hướng sản phẩm OCOP, được nhiều người trong và ngoài nước tiêu dùng ưa chuộng, mang lại hiệu quả xuất khẩu cao, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập trong thời gian tới.

            Minh Tâm