Xuất bản thông tin

null Học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn- TP. Cần Thơ

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn- TP. Cần Thơ

Ngày 15/5/2022, đoàn công tác huyện Cao Lãnh do bà Phan Thị Ái Xuân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Huyện làm trưởng Đoàn cùng lãnh đạo xã Mỹ Xương và 10 hộ dân xã Mỹ Xương, Tân Hội Trung đến tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về cách làm du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Bà Lê Thị Bé Bảy - người trực tiếp sáng lập ra điểm du lịch cộng đồng Cồn Sơn tiếp và làm việc với Đoàn.

Theo bà Lê Thị Bé Bảy, Cồn Sơn nằm giữa con sông Hậu, có diện tích 70ha, với 78 hộ gia đình và hơn 300 dân sinh sống. Với thế mạnh chăn nuôi thủy sản và trồng cây ăn trái như: Chôm chôm, bưởi, nhãn, vú sữa, dâu Hạ Châu, mít, ổi…  Từ năm 2014 để kết nối tour tuyến với Đình Bình Thủy, Nhà cổ Vườn Lan (là 02 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia của Tp. Cần Thơ và là 02 điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm) trăn trở với cuộc sống mưu sinh của người dân nghèo vùng cồn cù lao không có điện, có đường, trường học,… cây trái trồng ra mua bán khó khăn, giá rẻ. Lúc này bà Lê Thị Bé Bảy làm Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy có gia đình đang sinh sống tại Cồn Sơn đã mạnh dạng đi gõ cửa từng Công ty lữ hành có văn phòng tại Tp. Cần Thơ tìm hiểu nhu cầu về xu hướng phát triển sản phẩm du lịch. Từ đó, tuyên truyền vận động gia đình và hàng xóm, người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn. Qua gần 6 năm làm du lịch, đến nay có hơn 30 hộ tham gia phát triển du lịch cộng đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động có việc làm, từ đó đã xóa nghèo vươn lên hộ khá giàu và có thu nhập ổn định thường xuyên hàng ngày.

Tham quan hộ ông Bảy Bon nuôi các lồng bè phục vụ du lịch

Đến nay điểm du lịch Cồn Sơn đã kết nối được 40 công ty du lịch lữ hành nội địa và quốc tế, nơi đây mở cửa phục vụ du khách tất cả các ngày trong tuần và quanh năm. Với những câu chuyện cuộc sống đời thường được người dân khéo léo chia sẽ trao đổi cùng du khách, những sản phẩm du lịch phong phú như: Tham quan và phân biệt các loài cá nước ngọt từ nhà Bè cá Bảy Bon, trải nghiệm cá massage chân, du khách còn được tham gia mua thức ăn góp phần bảo tồn cá thiên nhiên sông Hậu cùng bà con Cồn Sơn; Đi bộ trên cung đường quê lộng gió, rộp bóng cây xanh đến nhà dân trải nghiệm các loại bánh dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ như: Bánh lá mít, bánh bò, da lợn, bánh bèo, bánh kẹp cuốn, xôi vị, bánh bột lọc, cốm gạo nổ,…đặc biệt là bánh Phu Thê, bánh tét,…đạt giải cao tại Lễ hội Bánh dân gian ngon Nam bộ; Du khách khám phá mô hình gát kèo ong thiên nhiên, thưởng lãm vũ điệu cá lóc bay, và thưởng thức bữa cơm cộng đồng với mô hình “Thực đơn bay” độc đáo và thú vị.

Tham quan gia đình Bác Tám chuyên làm bánh dân gian (bánh Phu – Thê) và nghề dan võng truyền thống

Sau những điểm đến trải nghiệm, Đoàn đã trao đổi giao lưu với từng hộ dân, HTX dịch vụ Du lịch Nông Nghiệp Cồn Sơn và nghe bà Lê Thị Bé Bảy chia sẻ những kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn về xây dựng và phát triển mô hình du lich cộng đồng, cách thức xây dựng, quản lý và điều hành các dịch vụ du lịch cộng đồng.

 Bà Lê Thị Bé Bảy cho rằng 2 địa phương có những nét tương đồng về tài nguyên và sản phẩm du lịch, đồng thời có những thế mạnh và nét độc đáo riêng,…đây là những yếu tố quan trọng để huyện Cao Lãnh sớm phát triển du lịch trong tương lai. Bà Phan Thị Ái Xuân cho biết, nhằm phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch trên địa bàn Huyện; Trong thời gian tới sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp sạch hướng tới hữu cơ, phát huy tài nguyên bản địa và học hỏi áp dụng việc phát huy yếu tố con người, vai trò cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch từ mô hình của bà con Cồn Sơn. 

Ông Nguyễn Văn Mách, ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương rất vui khi được tham quan thực tế, qua chuyến đi này ông mong muốn sẽ được kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn xã, huyện, để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương trong thời gian tới.

Đơn vị huyện Cao Lãnh tặng quà lưu niệm

Qua chuyến tham quan học tập, tận mắt “mục sở thị” hộ dân Cồn Sơn đang tiếp đón gần 1.000 du khách đến trải nghiệm trong ngày do các Cty lữ hành đã ký hợp đồng đưa đến ổn định thường xuyên, các hộ dân tham gia chuyến đi được tiếp cận, học hỏi các mô hình du lịch bày tỏ sự phấn khởi và hào hứng, quyết tâm khi về lại địa phương sẽ bắt tay ngay vào tham gia xây dựng những câu chuyện và sản phẩm du lịch nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng xoài chuyên canh, quyết tâm đưa vùng đất thủ phủ Xoài Mỹ Xương có tên vào bản đồ du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.

Thành Sơn