Xuất bản thông tin

null Sản xuất xoài vì cái tâm, trách nhiệm với cộng đồng

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Sản xuất xoài vì cái tâm, trách nhiệm với cộng đồng

Cũng như nhiều nhà vườn trồng xoài ở tỉnh Đồng Tháp, trước khi sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, vườn xoài của ông Nguyễn Phú Hiệp ở xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh (Chú 7 Hiệp) cũng không có nhiều khác biệt so với các vườn xoài khác. Xoài của ông Hiệp vẫn bán trôi nổi ngoài thị trường và thường xuyên bị ùn ứ vào chính vụ.

Tuy nhiên, năm 2013, sau khi tham dự một khóa học về sản xuất xoài theo hướng VietGAP, Chú 7 Hiệp bắt đầu có sự thay đổi. Khóa học giúp Chú hiểu hơn về thị trường nội địa và quyết tâm thay đổi. “Tham dự các lớp tập huấn về sản xuất xoài an toàn, tôi nghe các chuyên gia thường nhắc câu “Nước đến chân rồi, nếu không thay đổi cách làm, bà con sẽ thua ngay trên sân nhà”. Rồi tôi tự hỏi tại sao mình không thay đổi để thắng trên sân nhà mà cứ ngồi chờ chết”, Chú 7 Hiệp bộc bạch.

Từ nền tảng sản xuất VietGAP, Chú 7 mạnh dạn sản xuất xoài theo hướng hữu cơ. Nhờ thay đổi cách làm và không ngừng học hỏi nên Chú đã sớm được doanh nghiệp để ý và bao tiêu sản phẩm. Không những làm một mình, Chú còn “rủ rê” những nhà vườn lân cận cùng sản xuất theo hướng hữu cơ để bán cho doanh nghiệp. Năm 2014, toàn bộ sản lượng xoài của Tổ hợp tác (THT) sản xuất dịch vụ xoài Bà Két, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh do Chú 7 làm Tổ trưởng đã được một Công ty tại TP. Cần Thơ bao tiêu với mức giá cao hơn gấp 2 – 3 lần so với mức giá ngoài thị trường.

Ông Nguyễn Phú Hiệp đang liên hệ bán hàng qua điện thoại

Chú 7 tâm sự: “Chất lượng của xoài sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn khác biệt so với trái xoài trồng bình thường. Do không bón phân hóa học, không phun xịt chất tăng trưởng, hương vị trái xoài đậm đà và ít hư thúi hơn. Tôi có thể mạnh dạn bảo hành cho doanh nghiệp xoài của tôi không hư thúi trong vòng 3 – 5 ngày, đây là điều mà không phải nhà vườn nào cũng dám mạnh dạn cam kết”.

Không dừng lại ở đó, đến năm 2016, sau khi được chính quyền địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bản thân Chú Nguyễn Phú Hiệp đã học theo Bác bằng những việc cụ thể, nhỏ nhoi, đó là chủ động và không ngừng tìm tòi học hỏi, trước tiên là học từ con, cháu trong gia đình kế đến là bạn bè, người thân.

Ở cái tuổi trên 70 “Lão nông” đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động tạo được tài khoản cá nhân (Zalo, Facebook, Fanpage) quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm Xoài hữu cơ trên khắp mọi miền đất nước, đầu ra sản phẩm ổn định, tăng lợi nhuận, sản phẩm làm ra luôn bán với giá cao và được người tiêu dùng ưa chuộng, tin tưởng, nhiều lúc không đủ hàng để cung ứng cho thị trường. 

Không dừng lại ở quy mô hộ gia đình Chú 7 còn liên hệ với chính quyền địa phương và ngành chức năng hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác Xoài Bà Két sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình hoạt động, đến nay được 19 hộ tham gia với tổng diện tích 12,5ha, từ đó làm thay đổi nhận thức của một bộ phận Nhân dân về phương thức sản xuất góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nộng nghiệp của Tỉnh trên địa bàn xã Mỹ Hội, qua đó cũng giúp nhiều hộ gia đình giảm chi phí, tăng thu nhập cao.

Với mô hình trồng xoài dùng phân bón hữu cơ, vì cái tâm, trách nhiệm với cộng đồng là mô hình hiệu quả, trong thời gian tới tôi tiếp tục duy trì và động viên người thân, các hộ gia đình làm vườn thực hiện mô hình này vừa mang lại hiệu quả phát triển kinh tế gia đình vừa mang lại sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Nhằm góp phần phát triển kinh tế, sức khoẻ cho người tiêu dùng. Mục tiêu cuối cuối là để nâng cao đời sống thu nhập, chất lượng sống Nhân dân – ông Hiệp bày tỏ.

Thành Sơn