Xuất bản thông tin

null Chuyển đổi cây trồng kết hợp dịch vụ là một trong những lựa chọn của nông dân

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Chuyển đổi cây trồng kết hợp dịch vụ là một trong những lựa chọn của nông dân

Làm thế nào để tăng thu nhập trên cùng diện tích đang là mối quan tâm của người nông dân, nhất là những nông hộ có ít đất sản xuất. Chuyển đổi cây trồng kết hợp làm dịch vụ là một trong những lựa chọn của một số nông dân ở Cao Lãnh.

Chúng tôi đến vườn nhà ông Nguyễn Thành Châu tại khóm Mỹ Tây, thị trấn Mỹ Thọ, khi vườn dâu tằm của gia đình ông đang vào mùa thu hoạch. Vườn dâu tầm trĩu trái, ai cũng trầm trồ là thành quả mà ông tìm tòi, học hỏi cách trồng và chăm sóc để có được kết quả ngày hôm nay. Trên diện tích vườn hơn 3.000 mét vuông từ nền đất lúa, ông Châu trồng được 120 gốc dâu tằm, đến nay, cây được 3 năm tuổi.

Ông Châu cho biết, dâu tằm dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chỉ chú ý phòng trừ rệp sáp. Ông chỉ ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và người tiêu dùng. Khi cây trồng khoảng 8 tháng tuổi là có thể xiết nước để xử lý ra hoa đồng loạt và lấy trái. Sau mỗi đợt thu hoạch, cây được chăm sóc và xử lý để lấy trái đợt kế tiếp, vì vậy trong năm, dâu tằm có thể cho 03 đợt trái.

Ông Nguyễn Thành Châu (giữa) chăm sóc vườn dâu tằm

Theo ông Châu, việc chọn dâu tằm là cây trồng chính để có thu hoạch mỗi ngày, thì ông còn tâm đăc vì cây dâu có nhiều giá trị dinh dưỡng có tác dụng tốt với sức khỏe con người.

Ông Nguyễn Thành Châu chia sẻ: “Trước tiên mình trồng để bán có thu nhập hàng ngày nuôi sống gia đình, chứ mình chưa có tính tới chuyện làm ăn kinh tế lớn hơn, kế đến khi mình trồng cũng nhằm để gia đình ăn nhằm phòng ngừa một số bệnh thông thường trong gia đình”.  

Với 120 gốc dâu tằm, ông chia thành nhiều đợt thu hoạch, nên vườn dâu tằm của ông cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày. Ông cho biết mỗi gốc dâu tằm cho khoảng 10kg trái mỗi vụ, giá bán dao động 40.000đ đến 50.000đ mỗi ký, nên vườn dâu giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, nhằm gia tăng lợi nhuận nhiều hơn từ trái dâu, hiện gia đình ông Châu cũng chế biến ra thêm một số sản phẩm từ dâu tằm như: rượu dâu, siro dâu, yaout dâu để phục vụ nhu cầu đa đạng của người tiêu dùng.

Ông Châu chia sẻ tiếp: “Sắp tới, gia đình đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm chế biến từ trái dâu tằm và hướng đến đầu tư nhãn mác và bao bì chuyên nghiệp cho các sản phẩm chế biến. Bởi, so với bán trái tươi thì các sản phẩm dâu tằm chế biến mang lại giá trị tăng thêm rất nhiều, đây còn là giải pháp hiệu quả giúp giải quyết bài toán về tồn đọng vào những lúc chính vụ”.

Ông còn dự định mở thêm các hoạt động khác trên mảnh vườn để tăng thu nhập. Ông Châu thông tin thêm: “Hiện gia đình tôi cũng muốn có thêm nguồn thu nhập nhiều hơn trên cùng diện tích này, hướng tới gia đình xây dựng du lịch miệt vườn, đến đây không thu vé, du khách tự nhiên hái trái ăn, còn các sản phẩm chế biến từ dâu tằm nếu du khách có nhu cầu thì tính tiền theo từng loại sản phẩm đã chế biến”.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội Nông huyện Cao Lãnh cho biết: “Mô hình sản xuất dâu tằm ăn của ông Nguyễn Thành Châu đang được địa phương và ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ đặc biệt. Ngoài việc định hướng hộ sản xuất theo quy trình an toàn, ngành chức năng của huyện còn phối hợp với địa phương để hỗ trợ các hộ xây dựng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm theo quy trình chuyên nghiệp, để người tiêu dùng có nhiều thông tin về sản phẩm hơn trong thời gian tới”.

Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng trồng dâu tằm trên nền đất lúa kết hợp làm dịch vụ, đã phần nào cho thấy sự năng động của gia đình ông Nguyễn Thành Châu nhằm cải thiện thu nhập trên đất vườn.

Thành Sơn