Xuất bản thông tin

null Huyện Cao Lãnh phấn đấu 85% lúa và 90% cây ăn trái có mã số vùng trồng

Chi tiết bài viết Tin tức

Huyện Cao Lãnh phấn đấu 85% lúa và 90% cây ăn trái có mã số vùng trồng

Ngày 21/4/2022, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Cao Lãnh Huỳnh Thanh Sơn tiếp và làm việc với Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thiết lập mã số vùng trồng xoài năm 2022.

Đến cuối năm 2021, toàn Huyện có 7.800 ha diện tích vườn cây ăn trái, trong đó, diện tích xoài là 4.138 ha, sản lượng 51.800 tấn. Phát triển theo hướng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trái cây, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, hệ thống các siêu thị. Diện tích liên kết của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ 4.700 tấn (xoài được 2.500 tấn; chanh 1.000 tấn; ổi 1.200 tấn), tương đương 3,86% sản lượng cây ăn trái chủ lực. Tổng giá trị tăng thêm thông qua liên kết cây ăn trái 15,5 tỷ đồng.

 

Nhìn chung, công tác xây dựng và thiết lập mã vùng trồng trên địa bàn Huyện cơ bản đúng tiến độ, đến nay, toàn Huyện có 51 mã vùng trồng, diện tích 1.595,77 ha/1.600 hộ, gồm: xuất sang thị trường Trung Quốc 19 mã vùng trồng xoài, diện tích 1.212,4 ha/1.101 hộ, 6 mã vùng trồng mít với diện tích 125 ha/164 hộ; sang thị trường khó tính có 26 mã số xuất khẩu xoài với diện tích 268.4 ha (tăng 11 mã so với năm 2021) và 01 cơ sở được cấp mã vùng trồng chanh không hạt diện tích 16,5 ha/21 hộ. Các chủ thể được cấp đa số là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác đại diện cho người dân trong vùng trồng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình truy xuất nguồn gốc như hồ sơ, nhật ký canh tác đảm bảo kiềm soát tốt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Huyện đã phối hợp với Chi cục trồng trọt bảo vệ thực vật Đồng Tháp tập huấn về yêu cầu thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước đối với mặt hàng trái cây, rau quả. Tham dự tập huấn có hơn 30 người tham gia gồm các HTX, THT, UBND các xã, thị trấn. Ngoài ra, còn tổ chức 01 lớp về hướng dẫn phần mềm quản lý, truy xuất mã vùng trồng ACCcompany của Công ty Ryan đến các chủ thể tham gia tập huấn.

Đang phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng mã vùng trồng nông sản phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt 85% diện tích trồng lúa và 90% diện tích vùng trồng cây ăn trái phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, các xã, thị trấn đang thực hiện công tác vận động, lập danh sách các hộ đăng ký tham gia mã số vùng trồng trên lúa và cây ăn trái. Phối hợp với UBND xã Gáo Giồng triển khai được 03 lớp tập huấn mã vùng trồng cho các hộ trồng lúa, mít của HTX số 1, HTX số 2 và HTX Thuận Tiến thuộc xã Gáo Giồng, 4 lớp ở Mỹ Xương, đang hướng dẫn địa phương lập hồ sơ.

Đoàn công tác lưu ý địa phương tiếp tục quan tâm một số công tác như: vận động, lập danh sách hộ đăng ký tham gia; công tác tập huấn ở nội dung liên quan về quy trình canh tác; diện tích tối thiểu để đăng ký mã vùng trồng; đăng ký cấp mã số vùng trồng trên phần mềm, thông tin mô tả vùng trồng trực tiếp trên phần mềm.

Thành Sơn