Xuất bản thông tin

null Người phụ nữ chuyên cần với cây lúa hữu cơ

Chi tiết bài viết Báo chí với Đồng Tháp

Người phụ nữ chuyên cần với cây lúa hữu cơ

Để đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo, thời gian qua bà Tăng Thị Kim Xuyến, ngụ ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh được biết đến là người phụ nữ chuyên cần với cây lúa hữu cơ và thành công với việc phát triển giống lúa đen có xuất xứ từ Miền Bắc. Mặc dù năng suất không cao, nhưng chất lượng hạt gạo thơm, ngon và độ dẻo của gạo lúa đen vượt trội so với giống lúa thường.

Trong thành phần gạo đen còn chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe người dùng. Gạo đen có giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại. Gạo đen có thể chế biến thành các thực phẩm dinh dưỡng như trà gạo mầm, trà gạo lứt, bột gạo mầm, cốm gạo mầm... được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, giống lúa đen được bà Tăng Thị Kim Xuyến canh tác theo hướng hữu cơ, giảm tối đa phân hóa học.

Bà Tăng Thị Kim Xuyến cho biết: “Trong quá trình canh tác, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm gạo đen đặc trưng. Mặt khác, tôi sẽ hoàn tất các thủ tục về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch và chất lượng an toàn thực phẩm. Về hướng đi lâu dài, tôi sẽ xây dựng sản phẩm gạo đen theo chương trình OCOP của tỉnh Đồng Tháp. Quy trình chăm sóc giống lúa đen theo hướng hữu cơ có sự khác biệt so với lúa thường. Cụ thể, đầu vụ tôi phải áp dụng phương pháp bón vùi phân hữu cơ trước khi cấy nhằm khử lẫn giống. Cùng với đó, tôi sử dụng hoàn toàn 100% phân hữu cơ và chế phẩm sinh học nhằm đáp ứng tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa”.

Vì là giống lúa đặc biệt nên 1.000m2 chỉ sạ khoảng 4kg giống. Trong suốt quá trình canh tác, người trồng phải chú trọng điều chỉnh mực nước để hạn chế cỏ dại và bảo tồn lượng thiên địch. Lúa đen rất dễ mẫn cảm với thuốc hóa học, vì vậy việc áp dụng phòng trừ dịch hại hoàn toàn bằng thủ công. Để làm được điều này, phải có sự chuẩn bị ngay từ đầu vụ.

Bà Tăng Thị Kim Xuyến chia sẻ: “Như khâu diệt cỏ phải nhổ bằng tay; áp dụng nhiều phương pháp truyền thống để ngăn ngừa côn trùng và chim chóc, chuột gây hại... Cùng với đó, phải có nhật ký ghi chép rõ ràng nhằm có sự theo dõi chặt chẽ suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa. Muốn làm được điều này, phải quan sát thường xuyên sự phát triển của ruộng lúa”.

Hiện nay, khi nói đến canh tác hữu cơ, nhiều người e ngại vì sau thời gian dài canh tác lúa theo cách sử dụng phân hóa học, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, nên dịch hại ngày càng phát triển mạnh, khó quản lý. Nếu không sử dụng phân, thuốc hóa học thì sẽ không có năng suất. Nhưng qua thực tế cách làm của nhiều bà con nông dân hiện nay, mặc dù chưa hoàn toàn là hữu cơ, nhưng việc kiểm soát bệnh hại là điều có thể, nếu kiên trì, sau nhiều vụ, có thể cải thiện dần dần. 

Nông dân trồng lúa thông thường kiểm soát dịch hại bằng cách thường xuyên áp dụng thuốc trừ sâu hóa học cho lúa. Trong khi sản xuất lúa hữu cơ áp dụng các giải pháp trồng đúng thời vụ, kết hợp né rầy gây hại, chọn giống chống chịu và phù hợp và áp dụng các biện pháp canh tác cơ để kiểm soát sâu bệnh. Nếu làm được điều này, không chỉ có lợi ích trước mắt là giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, mà còn mang lại lợi ích lâu dài.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết thêm: “Từ mô hình này, ngành nông nghiệp Huyện cũng mong muốn tạo sự lan tỏa đến với nhiều nông dân trong việc canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Thời gian tới, Huyện sẽ hỗ trợ mô hình trong việc mở rộng vùng sản xuất; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm”

Theo các nhà khoa học, hàm lượng nitơ trong đất quá mức trong sản xuất lúa thông thường, thường phát sinh do bón lượng phân hóa học quá nhiều vào đất. Ngược lại, trong sản xuất lúa hữu cơ, không có tình trạng dẫn đến mức độ nitơ trong đất quá nhiều, làm giảm thiểu mức độ tác hại của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh than hạt lúa và các bệnh khác.

Với nhiều lợi ích thiết thực, cộng với đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng, nhất là vấn đề an toàn, xu hướng sản xuất lúa gạo hữu cơ là hướng đi sẽ giúp người trồng lúa có thể cải thiện thu nhập. Và những mô hình đầu tiên như trồng lúa đen hữu cơ đang được ngành nông nghiệp quan tâm và khuyến khích mở rộng.

Thành Sơn