Xuất bản thông tin

null Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra

Chi tiết bài viết Tin tức

Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra

Chiều ngày 04/4/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa - Trưởng Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp chủ trị Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác Ứng phó với Biến đổi Khí hậu - Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Phòng thủ dân sự và Phòng, chống cháy rừng năm 2021 và thông qua Kế hoạch năm 2022.

Ông Lê Chí Thiện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng, chống dịch bệnh Huyện tham dự tại điểm cầu huyện Cao Lãnh.

Điểm cầu UBND huyện Cao Lãnh

Năm 2021, trên biển Đông xuất hiện 9 cơn bão và 3 đợt áp thấp nhiệt đới. Bão và áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Tỉnh nhưng đã gây ra những đợt mưa to kèm theo sấm sét, gió mạnh làm chết 02 người (do sét đánh), thiệt hại hoàn toàn 11 căn nhà; tốc mái, xiêu vẹo 275 căn, 16 cây lâu năm đổ ngã. Sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, với chiều dài khoảng 34,8 km, diện tích sạt lở 6,59 ha, ước thiệt hại khoảng 18,52 tỷ đồng. Toàn tỉnh vẫn còn 6.301 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Sạt lở nội đồng, với tổng chiều dài 2.195 m, diện tích 4.514 m2, ảnh hưởng trực tiếp tới 09 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 1,25 tỷ đồng.

Riêng tại huyện Cao Lãnh năm 2021, đã xảy ra 10 đợt giông, lốc, làm sập hoàn toàn 01 căn nhà và tốc mái, xiêu vẹo 29 căn nhà, tổng giá trị thiệt hại ước tính 388 triệu đồng. Tình hình sạt lở bờ sông Tiền, xảy ra ở xã Mỹ Xương, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây, Bình Thạnh, Phong Mỹ, với chiều dài sạt lở 10,530 km, diện tích sạt lở ước tính 25.810 m2; tổng thiệt hại ước tính 1,29 tỷ đồng. Tổng hộ dân trong vành đai sạt lở cần phải di dời là 176 hộ. Hiện các địa phương đang tiếp tục vận động di dời các hộ đến nơi an toàn. Đã xảy ra 05 trường hợp sạt lở đất bờ kênh trên địa bàn xã Bình Hàng Trung, Phương Trà, Nhị Mỹ, với chiều dài sạt lở là 133 m, diện tích 2.198 m2. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do mưa, giông, lốc, sạt lở đất gây ra trên địa bàn Huyện trong năm 2021 ước tính khoảng 1,81 tỷ đồng.

Trong năm qua, thu Quỹ phòng, chống thiên tai đạt 113,4% kế hoạch của Huyện; xây dựng mới 20 công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất kết hợp với giao thông nông thôn; hoàn thiện 02 bờ kè chống sạt lở; cấp kinh phí hỗ trợ với số tiền là 346 triệu đồng. Toàn Huyện có 28 đội cứu hộ, cứu nạn, 28 chốt xung yếu, với 207 thành viên phân bổ tại các điểm xung yếu.

Trong năm 2022, huyện Cao Lãnh tiếp tục thực hiện hiệu quả giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra. Chuẩn bị nhân lực, phương tiện để di dời người dân đến nơi ở an toàn khi có bão, lũ lớn xảy ra. Xây dựng Phương án ứng phó với bão phù hợp với tình hình thực tế. Chú ý thực hiện các phương án ứng phó với tình huống xảy ra thiên tai theo cấp độ rủi ro. Hướng dẫn xã lập kế hoạch diễn tập phòng chống thiên tai cấp xã 2022 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Qua dự báo tình hình khí tượng thủy văn, mưa lũ năm 2022, ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các ngành, địa phương phải xem công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm để có sự lãnh đạo kịp thời, không để bị động. Đồng thời, mạnh dạn chuyển đổi số công tác này, công bố thông tin kịp thời để giảm thiệt hại và công tác dự báo phải sát tình hình, có sự đổi mới để người dân dễ tiếp cận; thực hiện tốt việc thu – chi Quỹ phòng chống thiên tai; ngành Nông nghiệp có định hướng sản xuất phù hợp; có giải pháp ứng phó thiên tai và coi trọng giải pháp phòng ngừa.

Thành Sơn