Vườn nho “quý tộc” điểm đến độc đáo thu hút du khách
Là người tiên phong đưa giống nho sữa Hàn Quốc về trồng tại Đồng Tháp, ông Bùi Trọng Nam, 49 tuổi ngụ tại khóm Mỹ Thuận, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh đã thành công đưa một loại nho giàu dinh dưỡng, hương vị thơm mát nhưng vô cùng “khó tính” về trồng tại vùng Đất Sen hồng.
Sinh ra trong một gia đình làm nông tại Ninh Thuận, ông Nam đã gắn bó với cây nho từ thuở nhỏ. Khi lập gia đình, về sinh sống tại phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, ông vẫn luôn trăn trở: liệu vùng đất phù sa này có thể tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ trồng nho của mình? Ông Nam quyết định trồng thử nghiệm giống nho sữa Hàn Quốc hay còn được gọi là giống nho “quý tộc” vì giá rất đắt và khó chăm sóc, để trồng được loại cây này người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật và phương pháp chăm sóc. Qua lần thử nghiệm đầu tiên kết quả không như mong đợi: nho không hợp khí hậu, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp. Đã có lúc ông định bỏ cuộc, nhưng rồi lại âm thầm nghiên cứu đất, điều chỉnh độ ẩm, thay đổi cây giống và cách chăm sóc, xây dựng nhà kính để cây nho được che chắn, giúp kiểm soát các yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố bất lợi của thời tiết. Điều này tạo ra môi trường ổn định tối ưu sự sinh trưởng và phát triển của cây nho, giúp tăng năng suất và chất lượng trái.
Du khách tham quan Vườn nho sữa hữu cơ Phương Thảo tại số 268/7 Phùng Khắc Khoan, khóm Mỹ Thuận, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh
Trên mảnh vườn rộng hơn 1200 m2 tại số 268/7 Phùng Khắc Khoan, khóm Mỹ Thuận, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, ông Nam trồng thành công trên 180 gốc nho sữa Hàn Quốc, với hướng đi khác biệt và bền vững, trong tất cả các khâu từ cải tạo đất, chọn giống, ủ phân hữu cơ, tưới cây bằng chế phẩm sinh học, phòng trừ sâu bệnh bằng thảo mộc, không thuốc trừ sâu độc hại, tất cả các khâu đều theo hướng hữu cơ sinh học nên mỗi trái nho là kết quả của cả một hệ sinh thái tự nhiên - an toàn cho sức khỏe - có trách nhiệm với người tiêu dùng. Ông Nam cho biết. “Ngoài hệ thống nhà giàn, màn che, hệ thống tưới tự động thì việc cắt cành, tỉa lá, cắt bỏ những quả bị chèn ép vào nhau lúc chùm nho còn nhỏ cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng quả và hình dáng của chùm nho sau này, mỗi cây tôi chỉ giữ lại 7 đến 10 chùm để đảm bảo quả đạt chất lượng tốt nhất”.
Chẳng phụ công người, chỉ sau hơn 1 năm chăm sóc, cây nho đã bắt đầu cho những tính hiệu vui, những chùm nho sai trĩu quả, chùm quả to đồng đều, giòn, ngọt, mọng nước đã mang đến nguồn thu nhập tương đối cho gia đình ông. Nhận thấy hình thức du lịch trải nghiệm đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn, vì vậy bên cạnh việc bán nho cho các thương lái, ông Nam đã mạnh dạn mở cửa vườn nho chào đón du khách đến tham quan trải nghiệm. Mô hình trồng nho kết hợp du lịch trải nghiệm của ông Nam được xem là mô hình “1 gốc 2 quả” vừa cho giá trị kinh tế từ quả nho vừa tăng thêm lợi nhuận từ dịch vụ trải nghiệm.
Du khách check in tại Vườn nho sữa hữu cơ Phương Thảo tại số 268/7 Phùng Khắc Khoan, khóm Mỹ Thuận, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh
Và thế là Vườn nho sữa hữu cơ Phương Thảo ra đời, đây không chỉ là nơi trồng nho mà là một không gian sống xanh, du khách có thể hái nho và ăn trực tiếp tại vườn mà không lo vấn đề về an toàn thực phẩm, chụp ảnh, check-in, thưởng thức ly nước mật nho lên men thơm dịu, vị ngọt tự nhiên, thư giãn, hít thở không khí trong lành của thiên nhiên giữa lòng Thành phố.
Ông Nam cho biết thêm: “Bước đầu thấy mô hình có tiềm năng, hiện gia đình tôi đang trồng thêm 600 gốc nho sữa Hàn Quốc này nữa tại vườn nhà ở lân cận, vừa có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm vừa tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài tỉnh có thể đến tham quan, hái nho tươi, chụp ảnh tại vườn”.
Là mô hình trồng nho sữa Hàn Quốc đầu tiên của Đồng Tháp, bên cạnh việc phát triển thương mại, mô hình trồng nho gắn với du lịch trải nghiệm của ông Nam được xem là hướng đi bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Liễu Hiền